Đường Huyền Trang và hành trình về đất Phật

Huyền Trang tên thật là Trần Vĩ, sinh ra trong gia đình quyền quý khoảng thế kỉ 7, thời nhà Đường. Do thế sự bất ổn, vua chúa cai trị nhũng nhiễu làm ông chán ghét, ông sớm tìm đến Phật học ở tuổi 13.


Một bức ảnh mô tả Đường Huyền Trang [1]


Với trí tuệ và cái nhìn bác học của mình, ông sớm tinh thông phật học và thấy nhiều sự mâu thuẫn, nhiều trường phái Phật học mà không biết đâu là chính tông. Ông mong mỏi được tới quê hương của Phật là Ấn Độ để học hỏi. Chỉ có một mình, ông vượt qua sa mạc, băng rừng, băng núi mà có lúc tưởng như cận kề với cái chết. Với ý chí quyết tâm cao độ, ông vượt qua nhiều gian truân, khổ ải mà xưa nay hiếm ai phải chịu đựng để về với đất Phật.


Ở Ấn Độ, với cái nhìn khách quan, khả năng quan sát, đánh giá hiện tượng, con người một cách chính xác, ký bút trên con đường của ông cùng với kinh thư nhận được từ Ấn Độ là cả một kho tàng ông thu được. Nhờ ký sự của ông mà người sau này mới biết về cuộc sống vùng Tây Á. Ra đi năm 28 tuổi, sau 16 năm lặn lội, ông trở lại Trung Quốc khi 44 tuổi. Không ham phú quý, ông bắt tay ngay vào dịch kinh phật. Trong 19 năm, ông dịch trên 600 bộ kinh, mà cuốn nào cuốn đấy ngôn ngữ, phong thái viết đều chuẩn mực. Sự nghiệp của ông không chỉ để lại cho hậu thế ở ý chí, tài năng của một vĩ nhân, mà còn là cả kho tài liệu đồ sộ vô cùng quý giá cho các nhà sử học sau này. Ông còn làm giàu thêm cho Trung Quốc trên 3000 tiếng, ảnh hưởng lớn đến văn phong của bốn tiểu thuyết lớn của Trung Quốc. Hành trình của ông cũng được thần thoại hoá trở thành một tiểu thuyết làm nổi danh Trung Quốc. Lượng kinh Phật mà ông dịch chiếm hai phần ba số lượng kinh thư tại Trung Quốc. Khi ông mất đi, hàng triệu người đưa tiễn.


Nhìn vào gương ông, ta học hỏi được ý chí sắt đá cho những gì ông mong muốn, ấy là tìm hiểu, học hỏi về kinh phật để truyền bá cho nhân dân. Phương pháp làm việc của ông khoa học, mà ông cũng hết lòng với những gì ông cho là có ích. Với tài năng và một ý chí hơn người, Huyền Trang quả là vĩ nhân xưa nay chỉ có một, đáng trân trọng bậc nhất.

[1] Public license from wikipedia - https://en.wikipedia.org/wiki/File:Xuanzang_w.jpg
Reference: "Ý chí sắt đá", Nguyễn Hiến Lê, 1956

No comments:

Post a Comment