Ba quy tắc
- Sống ngày nào cách biệt ngày ấy, cách biệt hẳn với ngày hôm trước và ngày hôm sau. Đừng lo về tương lai, cứ nghĩ đến ngày hôm nay thôi.
- Khi ưu phiền về tình huống gì bạn hãy tự hỏi:
- Nếu không giải quyết được thì cái tai hại nhất có thể xảy ra là gì?
- Nhận trước cái tai hại ấy nếu cần.
- Bình tĩnh xem xét xem có cách nào cải thiện được tình thế đó không.
- Ưu phiền tàn phá sức khoẻ của bạn. Không biết thắng ưu phiền sẽ chết sớm.
Thực hành ba quy tắc ấy như thế nào
Ta hãy cùng xem quy tắc thứ nhất. Stephen Leacok 3 đã nói: “Lạ lùng thay cái chuỗi đời ta. Con nít thì nói: “Ước gì tôi lớn thêm được vài tuổi nữa”. Khi lớn tuổi rồi thì sao? Thì lại nói: “Ước gì tôi tới tuổi trưởng thành”. Và khi tới tuổi trưởng thành lại nói: “Ước gì tôi lập gia đình rồi ở riêng”. Nhưng khi thành gia rồi thì làm sao nữa? Lời ước lại đổi làm: “Ước gì ta già được nghỉ ngơi”. Và khi được nghỉ ngơi rồi thì lại thương tiếc quãng đời đã qua, và thấy như có cơn gió lạnh thổi qua quãng đời đó. Lúc ấy đã gần xuống lỗ rồi còn hưởng được gì nữa. Khi ta biết rằng đời sống ở trong hiện tại, ở trong từng ngày một thì đã quá trễ rồi mà”.
Bởi thế hãy sống cho ngày hôm nay. Hãy lập kế hoạch rồi làm từng việc, từng việc một như từng hạt cát trong chiếc đồng hồ cát, bạn sẽ không còn thấy mệt nhọc hay lo lắng. Bạn hãy bắt chước William Osler4, tự hỏi mình những câu này
- Tôi có thói hay quên hiện tại để lo về tương lai và mơ mộng "một khu trời diễm ảo ở chân trời xa xăm" hay không?
- Tôi có thường nghĩ về quá khứ mà làm cho hiện tại chua xót hay không? Quá khứ đã chết thật rồi.
- Sáng dậy tôi có quyết tâm nắm lấy ngày hôm nay để được hưởng trọn 24 giờ đó không?
- Sống trong căn phòng kín mít "ngày hôm nay" có lợi cho tôi không?
- Bao giờ tôi bắt đầu sống như vậy? Tuần sau?... Ngày mai?... Hay hôm nay?
Sự lo lắng có kết quả khốc hại làm ta mất khả năng tập trung tư tưởng. "Nếu ta bằng lòng nhận sự đã xảy ra, ấy là bước đầu tới thắng những tai hại trong bất kì biến cố nào"5. Quy tắc thứ hai đã một lần cứu tôi. Kỳ cuối cùng của khoá học thạc sĩ, tôi đinh ninh đã hoàn thành các môn học và tập trung làm đồ án. Tôi kiểm tra lại thì thấy có khả năng mình còn thiếu hai môn, mà thời gian đăng kí học đã qua rồi. Như thế, tôi phải mất một kì nữa, mà cái kì học kéo dài ấy nó sẽ phá hỏng kế hoạch xin học bổng tiếp theo của tôi, và có thể mất hơn một năm nữa để chờ đến đợt nộp hồ sơ kế tiếp. Tôi chán nản vô cùng, định dừng hồ sơ xin học bổng kì tới. Rồi tôi áp dụng nguyên tắc thứ hai. Tôi thấy tệ nhất thì tôi mất một năm rưỡi. Thời gian ấy tôi có thể đi làm ở đâu đó, và có thời gian đi du lịch nữa. Tôi chấp nhận chuyện đó. Tôi không chán nản, lo lắng nữa. Tôi tiếp tục hồ sơ để dù sao cũng có thêm kinh nghiệm. May mắn thay, một thời gian sau có thông báo cách tính môn mới, mà theo cách đó thì tôi đủ điều kiện tốt nghiệp.
Đối với quy tắc thứ ba, xin trích câu truyện của tướng Grant. Một lần chỉ huy một trận đánh quan trọng làm ông nhức đầu kịch liệt, mắt mờ tới xỉu. Phải cho tới sáng hôm sau, khi đối phương cử người sang hàng, ông đột nhiên hết hẳn nhức đầu. Rõ ràng ông đau chỉ vì lo nghĩ quá.6
Bởi vậy nên đừng ưu tư nữa. Khi thấy ưu sầu hãy tìm việc gì đó để làm như sửa đồ trong nhà, đóng đồ, tập thể dục, leo núi v.v. Bạn sẽ thấy ưu phiền tan đi.
1. Phần một trong "How to stop worrying and start living" - Dale Canergire, 1948. Bản Việt là "Quẳng gánh lo đi và vui sống" do Nguyễn Hiến Lê dịch năm 1951. ↩
2. Dale Carnegie (1888-1955), nhà văn người Mỹ, chuyên viết về tự lực và học làm người. ↩
3. Stephen Leacok (1869-1944), nhà văn người Canada. Là nhà khoa học tâm lý nổi tiếng nhất thế kỉ 20 trong cộng đồng nói tiếng Anh. ↩
4. William Osler là nhà Vật lý người Canada. Một trong bốn người thành lập bệnh viện Johns Hopkins. ↩
5. Trích dẫn của William James (1842-1910), nhà triết học, được coi là cha đẻ của tâm lý học Mỹ ↩
6. Chiến tranh nội chiến Mỹ. Trận cuối giữa tướng Grant và tướng Lee năm 1865. ↩
No comments:
Post a Comment