Đền Hùng và những mẩu chuyện nhỏ

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
Sắp tới lễ hội đền Hùng, tôi cũng muốn một lần tham dự. Trước khi tới, tôi muốn tìm hiểu một chút về đền Hùng và lịch sử của 18 đời vua Hùng. Thông tin lịch sử này có thể tham khảo từ Wikipedia, website của đền Hùng và một bài viết rất hay, chi tiết ở trang lịch sử Việt Nam.



Các bài viết có nhiều thông tin, tới cả tên của 100 con của Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi họ có thể liệt kê được tên của 100 người con này). Tôi liệt kê lại một số ý mà tôi thấy hữu ích.

Thông tin về đền Hùng


Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Xưa thuộc kinh đô Phong Châu của thời Văn Lang. Được xây từ thời Đinh Tiên Hoàng tới thời Hậu Lê (thế kỉ 15) thì hoàn chỉnh. Được nhà nước ta công nhận là di tích từ năm 1962.

Đền Hùng có 4 đền chính:

  • Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng
  • Đền Trung: Nơi vua Hùng và quan du ngoạn và bàn việc nước
  • Đền Thượng: Đặt trên núi. Tiến hành nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp.
  • Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung soi gương, vấn tóc.

Hiện nay, nước ta đã đầu tư và xây thêm nhiều đền xung quang đền chính, gồm đền chúa Mẫu và đền Lạc Long Quân, bảo tàng, nhà khách, v.v. Đó là thông tin về đền. Còn về lịch sử 18 đời vua Hùng, theo lời của các học giả thì 18 đời vua Hùng là khoảng 400 năm ứng với văn hóa Gò Mun, Đông Sơn, trước đó là bộ lạc bắt đầu từ 3000 năm TCN. Di tích khảo cổ lâu nhất tìm được là di tích khảo cổ Đồng Đậu (3500 năm).

Các truyền thuyết


Vì vua Hùng phần nhiều là truyền thuyết nên tôi quan tâm tới các tích cũ về thời Văn Lang hơn. Các câu chuyện cổ tích sau được lấy từ trang lịch sử Việt Nam.

Bọc trăm trứng

Vua đầu là Kinh Dương Vương, cháu 4 đời Viêm đế thần nông (Thần cai quản nông nghiệp của trời). Kinh Dương Vương kết hôn với Thần Long nữ, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân gặp Âu Cơ ở động Lăng Xương, kết thành vợ chồng rồi đưa về núi Nghĩa Lĩnh. Sau đó sinh 100 con. 50 theo mẹ lên núi, 49 theo cha xuống biển. Còn con cả là Hùng Vương làm vua, lấy tên nước Văn Lang.

Phù Đổng thiên vương

Đời Hùng vương thứ 16, nước Văn Lang bị giặc Ân xâm lược. Vua sai sứ giả đi tìm người tài đánh quân xâm lược. Làng Phù Đổng có cậu bé 3 tuổi vươn mình lên cao lớn, xin vua giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt đi đánh giặc. Đánh xong giặc Ân cưỡi ngựa bay về trời. Vua lập miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tích còn cho rằng cậu bé trước đó chỉ là sọ dừa.

Bánh chưng bánh dày

Vua Hùng thứ 6 thi cỗ kén rể. Lang Liêu mẹ mất không đi xa được, mới tìm cách nấu gạo nếp thành bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất. Vua mới truyền ngôi cho và thành vua Hùng thứ 7.

Sự tích dưa hấu

An Tiêm là con nuôi vua Hùng, nói năng kiêu ngạo nên bị đày ra đảo. Ra đảo hoang phát hiện ra dưa hấu da xanh, lòng đỏ do chim mang tới mới trồng và phát triển. Phát triển tốt nên vua ra đảo đón về.

Chử Đồng Tử

Công chúa Tiên Dung là con vua Hùng thứ 18. Một lần dạo chơi mới căng màn tắm bên sông. Không ngờ nước dội cát trôi lộ ra Chử Đồng Tử không mảnh áo che thân vì quá nghèo. Công chúa cho là định mệnh mới lấy làm chồng. Vua tức giận sai lính tới bắt thì phần đất quanh Chử Đồng Tử bay lên trời.

Sơn Tinh, Thủy Tinh

Thần núi, thần biển đến cầu hôn Ngọc Hoa, con gái vua Hùng thứ 18. Vua Hùng thách cưới voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Sơn tinh mang tới trước nên cưới được vợ. Thủy Tinh giận dữ dâng nước lên đuổi theo Sơn Tinh. Sơn Tinh dâng núi lên chặn nước. Các loài dã thú đánh thắng thủy tộc, Thủy Tinh thua lui về nhưng hàng năm đều dâng nước lên gây ra lụt lội.

Cột đá thề

Vua Hùng 18 không có con trai, nhường ngôi cho con rể Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên, Sơn Tinh). Thục Phán là cháu vua Hùng (tướng bộ lạc Tây Vu) đem quân tới tranh ngôi. Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Phán cảm kích dựng hai cột đá thề lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề rằng kế tục và giữ nước, thờ phụng các vua Hùng. Sau đó Thục Phán xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa, lấy tên nước là Âu Lạc.

PS. Điều tôi thấy lí thú nhất là tên Sơn Tinh là Nguyễn Tuấn, trùng với tên tôi.

Mô hình con người nhiều chữ T của thời đại mới

Tại sao chúng ta nên trở thành chuyên gia trong nhiều hơn một lĩnh vực?

Có lẽ bạn cũng như tôi, sẽ có thắc mắc khi đứng trước một biển kiến thức như ngày nay, cách nào là tốt nhất để chúng ta phát triển được sự nghiệp, có kiến thức chuyên sâu phù hợp. Bài viết này, tôi chia sẻ nhừng điều mà tôi được nghe từ những người khác, những người có kinh nghiệm lâu năm và thành công, chứ không phải là ý của riêng tôi. Tôi đã áp dụng và thấy có hiệu quả, và tôi nghĩ có thể nó cũng giúp ích được cho bạn nữa.

Mô hình kiến thức của một người xin được phép chia thành ba loại, chữ I, chữ T và nhiều chữ T. Người chữ (I) chỉ chuyên sâu về một thứ, giống như chữ I, chỉ đi sâu xuống theo một đường. Họ không biết về các lĩnh vực khác cũng như không biết về các kiến thứ tổng quan. Một ví dụ điển hình là các học sinh mọt sách hay nhiều nhà nghiên cứu. Họ quá mải mê đào sâu lĩnh vực của mình, thiếu hụt kiến thức xã hội. Họ sẽ rất khó phát triển sự nghiệp khi không có các hiểu biết chung, hay nói cách khác là không biết mình đang ở đâu trong nhu cầu của xã hội.

Người chữ (T) là người chữ (I), nhưng có thêm kiến thức tổng quan căn bản, thể hiện bởi dấu gạch ngang trên đầu. Hẳn nhiên, người chữ T sẽ khắc phuc được nhược điểm của người chữ I, họ biết mình ở đâu trong xã hội. Họ phát triển kiến thức chuyên sâu và có thể sẽ thành công. Tuy vậy, những người này vẫn có những nhược điểm. Thứ nhất, giờ đây sự giao thoa giữa các ngành khá mạnh mẽ, chỉ biết về một vấn đề nhỏ sẽ là một bất lợi. Thứ hai, khi họ gặp trở ngại trong việc phát triển chiều sâu chữ T của mình, gặp vật cản, họ sẽ thất bại vì không có sự dự phòng và không có những sự lựa chọn khác.

Để khắc phục nhược điểm của người chữ (T), con người, nhất là người năng động trong thời đại mới, nên theo mô hình nhiều chữ T (TTTT). Chúng ta nên có kiến thức tổng quan để có cái nhìn tổng quát, đồng thời phát triển sâu nhiều hơn một lĩnh vực. Ví dụ như các giáo sư đại học, ngoài nghiên cứu chuyên môn, thông thường đều có tài năng riêng về các lĩnh vực khác như lịch sử, hội họa, văn học. Ta coi như một người có hiểu biết sâu về một lĩnh vực nào đó khi người đó hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ. Thời gian trung bình để làm tiến sĩ là 5 năm, như vậy trong quãng đời làm việc của mình, khoảng 30 năm, một người có thể là chuyên gia trong tối đa 6 lĩnh vực khác nhau. Còn tại cùng một thời điểm, chúng ta nên phát triển 3 lĩnh vực song song với nhau. Độ chuyên sâu, hay độ dài của các chữ T, cho mỗi lĩnh vực không nhất thiết phải ngang bằng với nhau.

Có rất nhiều người thành công ủng hộ quan điểm này. Giáo sư Lee Doo Yong thuộc viện KAIST (Hàn Quốc) chia sẻ rằng rất nhiều người mà ông gặp gỡ có nhiều hơn một tài năng. Bản thân ông cũng vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một nhà sử học. Hay như nhà văn Nguyễn Hiến Lê, trong nhiều tác phẩm của ông, từ 60 năm trước đã khuyên người đọc có những đam mê khác ngoài công việc, để khi có gặp khó khăn, nản chí trong công việc thì có thể lẩn mình vào những đam mê đó.

Hãy trở thành người nhiều chữ T. Có kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nhiều hơn là một lĩnh vực. Chúng ta sẽ tận dụng được sự giao thoa giữa các lĩnh vực để đạt được nhiều thành công. Một lợi thế nữa là khi gặp khó khăn trong lĩnh vực này, ta có thể đầu tư sang các lĩnh vực còn lại. Tôi cũng đang cố gắng phát triển bản thân theo mô hình này. Ba lĩnh vực mà tôi đang phát triển là nghiên cứu đồ hoạ máy tính, tìm hiểu về kĩ năng mềm và lịch sử, và viết lách.